Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Có nhiều người thích đọc sách để học hỏi những điều bổ ích, nhưng cũng có những người muốn tự trải nghiệm để hiểu thêm về cuộc sống. Trong môt lần đi làm khuyến đọc, có một bạn độc giả đã đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có cần đọc sách khi có thể tự trải nghiệm?". Đây thực sự là một câu hỏi rất thú vị nên chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời nhé!

Đây là câu hỏi của bạn đọc nói trên: “Chào anh, cho tôi hỏi một con người có nên đọc nhiều sách hay không? Sách được viết ra là do đúc kết kinh nghiệm của một người và trải nghiệm của người đó vào hoàn cảnh của người đó. Người đọc sách chưa chắc đã ở trong tình cảnh của người viết sách, suy nghĩ của người viết sách và cách ứng xử của người viết sách. Vậy người đó có nên đọc sách không hay tự trải nghiệm để tìm câu trả lời cho vấn đề của mình, tại hoàn cảnh của mình, phù hợp với tâm sinh lý của mình?”.

Để trả lời câu hỏi này thấu đáo từ nhiều góc độ có khi phải viết hẳn một cuốn sách hay luận án tiến sĩ mới mong đủ. Ở đây, tôi chỉ vạch ra vài suy nghĩ có tính chất gợi ý để độc giả suy nghĩ, thảo luận thêm.

Xét ở góc độ lịch sử, con người đã sống rất lâu mà không cần đến sách. Tổ tiên loài người xuất hiện cách ngày nay hàng triệu năm nhưng loài người mới chỉ biết đến chữ viết và sau đó là sách cách nay khoảng 7-8 nghìn năm mà thôi. Trong quãng thời gian rất dài đó, con người đã sống, sinh hoạt, suy nghĩ, sáng tạo mà không cần có sách. Con người đã khám phá ra cách chế tác công cụ ban đầu, tìm ra lửa, phát hiện ra các loài cây cỏ ăn được, thuần hóa động-thực vật mà không cần đến sách hay chữ viết.

Nhiều vĩ nhân đã phát biểu và truyền đạt tư tưởng vĩ đại mà không hề đọc sách hay viết sách như đức Phật. Nhiều vĩ nhân thời cổ đại như Lão Tử cũng không đề cao ý nghĩa của sách vở và nhấn mạnh giới hạn của ngôn ngữ khi biểu đạt “Đạo” (chân lý – quy luật của vũ trụ)… Ngày nay, nhìn ra xung quanh (và thậm chí nhìn vào lịch sử Việt Nam) chúng ta cũng thấy rất nhiều người giàu, có địa vị, kiếm được nhiều tiền, sống với vợ con đề huề mà không cần đọc sách. Đấy là một thực tế.

Đối với các vĩ nhân và con người sống ở giai đoạn chưa có chữ viết hay chữ viết chưa phổ biến thì trải nghiệm, tư biện, suy tưởng là con đường để tổng kết chân lý và lời nói là con đường gần như duy nhất để phổ biến chân lý. Đức Phật đã đi theo con đường này và đạt được sự giác ngộ.

Những con người vô danh khác đã tìm ra lửa, chế tác công cụ, thuần hóa thực vật, động vật cũng nhờ vào trải nghiệm và khái quát trải nghiệm cá nhân. Một số người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại thành công không cần đọc sách vì họ có thể dựa vào trải nghiệm (học trong đời sống) hoặc nhờ vận may, nhờ các yếu tố bên ngoài…

Tuy nhiên vấn đề đặt ra sẽ là: Trải nghiệm cá nhân có giới hạn vì con người bị câu thúc bởi thời gian và không gian. Trong cuộc đời con người không thể trải nghiệm trực tiếp được hết mọi thứ phong phú trên thế giới. Trải nghiệm có thể đem lại cảm giác thật nhưng lại tạo ra “ảo tưởng về chân lý” vì chân lý được khái quát thuần túy từ trải nghiệm mang nặng tính chủ quan và bị chi phối bởi cảm tính.

Một cá nhân khi đạt được thành tựu cao nhờ trải nghiệm trực tiếp nhưng nếu không truyền bá bằng sách vở do chính mình trước tác thì có thể thất truyền hoặc tạo ra tình trạng “tam sao thất bản”. Do thiếu sách vở và ít chịu đọc sách vở nên trong công việc và cuộc sống, nhiều người phải luôn học theo kiểu truyền miệng, học mót và “phát minh lại cái bánh xe”, “làm từ đầu” thay vì cải tiến và nâng cao, đẩy thành tựu tới đỉnh cao thế giới.

Tương tác qua lại giữa trải nghiệm trực tiếp và tri thức thu nhận từ sách vở. Xã hội kể từ khi có cách mạng công nghiệp đã và đang biến đổi rất nhanh với tốc độ ngày một lớn, trở nên vô cùng phức tạp. Trong xã hội như vậy, trải nghiệm trực tiếp sẽ không đủ để “xã hội hóa” cá nhân (biến cá nhân đó thành thành viên của xã hội).


Đọc sách 

Xét ở khía cạnh lịch sử, sau khi chữ viết và sách ra đời thì các vĩ nhân có sáng kiến, phát minh, sáng chế, cống hiến lớn thuần túy dựa vào trải nghiệm cá nhân hầu như… biến mất, thay vào đó là các nhà bác học, các nhà hoạt động đọc “thiên kinh vạn quyển” và bản thân họ cũng truyền bá bằng chữ viết tư tưởng, phát minh của mình.

Lý do chủ yếu là bởi vì lượng thông tin sản sinh ra trong xã hội họ sống đã tăng tiến lên gấp bội so với xã hội trước đó. Những vấn đề đặt ra, những vấn đề cần giải quyết cũng phức tạp hơn gấp vạn lần. Một ví dụ dễ hiểu nhất là tư tưởng của đức Phật sau đó cũng phải nhờ chữ viết, sách vở mới được hệ thống lại (sau khi Ngài nhập Niết Bàn đã lâu) và được truyền bá, tạo ảnh hưởng khắp thế giới đến tận ngày nay.

Những vĩ nhân như Newton, Einstein, Pascal… đều là người mê đọc và đọc rất nhiều sách. Vì vậy, chuyện Lão Tử đề xướng “vô vi” và nghi ngờ vai trò truyền tải của ngôn ngữ vào thời ông thì có thể hiểu được nhưng ngày nay ai đề xướng không cần sách vở mà vẫn có văn minh thì sẽ không có sức thuyết phục nữa. Xem xét ở góc độ ngược lại thì những nơi coi thường sách và văn hóa đọc sách thường có kết cục bi thảm (ví dụ nhà Tần). Cho nên, sự kết hợp tương tác qua lại giữa trải nghiệm trực tiếp và tri thức thu nhận từ sách vở vẫn là lý tưởng nhất.

Cuối cùng, trong câu hỏi có đoạn rằng: “Sách được viết ra là do đúc kết kinh nghiệm của một người và trải nghiệm của người đó vào hoàn cảnh của người đó. Người đọc sách chưa chắc đã ở trong tình cảnh của người viết sách, suy nghĩ của người viết sách và cách ứng xử của người viết sách. Vậy người đó có nên đọc sách hay không hay là tự trải nghiệm để tìm câu trả lời cho vấn đề của mình, tại hoàn cảnh của mình, phù hợp với tâm sinh lý của mình?” nhưng tôi cho rằng nhận xét hay cách đặt vấn đề có vẻ không hợp lý.

Lý do là bởi sách được viết ra không chỉ đơn thuần để kể lại kinh nghiệm của cá nhân đã trải qua. Những cuốn sách kể lại trải nghiệm cá nhân thuần túy nếu có cũng chỉ là một phần trong kho tàng sách vở mênh mông của nhân loại để lại trong nhiều nghìn năm qua. Sách là nơi thể hiện cả kinh nghiệm, sự khái quát trừu tượng hóa và cả sự suy tưởng, viễn kiến.

Nhà văn Jules Verne viết “Hai vạn dặm dưới đáy biển” đâu chỉ thuần túy là kể lại hoặc dựa trên trải nghiệm của ông mà tác phẩm còn là sản phẩm của sự suy tưởng, tưởng tượng và thể hiện viễn kiến của ông. Vào thời ông viết ra tác phẩm này trên thế giới làm gì có con tàu nào chạy hàng tuần, hàng tháng dưới đáy đại dương như con tàu Nautilus? Nhưng ngày nay nó đã thành sự thật! Và như vậy nó chứng tỏ ông không chỉ kể lại trải nghiệm của mình trong sách. Những ví dụ khác tương tự có thể kể ra vô vàn.

Các sách triết học, những cuốn sách đẩy tư duy con người đến tận cùng cũng vậy, nó không chỉ dựa trên trải nghiệm cá nhân thuần túy mà nó còn dựa trên trải nghiệm cộng đồng, trải nghiệm nhân loại và sự suy luận, suy tưởng của những bộ óc trác việt. Nếu quy sách chỉ thuần túy là kinh nghiệm cá nhân và viết sách chỉ là giãi bày, kể lại trải nghiệm cá nhân thì sẽ rơi vào chủ nghĩa “tầm thường hóa”.

Đối với người đọc sách có phương pháp đúng nghĩa thì đọc sách không phải là để nhất nhất học theo, nhất nhất tin theo những gì tác giả đã viết. Thế giới của độc giả sẽ không bao giờ trùng khít với thế giới của tác giả. Tuy nhiên sách vở không vô ích vì những gì tác giả viết sẽ đưa lại các gợi ý, gợi lên những cảm xúc, động lực, đặt ra các vấn đề, hướng dẫn các phương pháp suy nghĩ và giải quyết vấn đề cho người đọc.

Bởi vậy, đọc sách đúng nghĩa là đọc để hướng tới thế giới của tự do chứ không phải đọc để trở thành nô lệ trong thế giới của tác giả.

Những tác giả viết sách hay nhất, những bạn đọc nhiều nhất, thông thái nhất trên thế giới này đều là những người ca ngợi tự do tư tưởng khi đọc sách. Tôi chưa thấy một nhà thông thái nào cho rằng chỉ cần đọc và làm theo sách là sẽ có thành công.


Tự trải nghiệm

Đấy là lý do tại sao người đọc sách cần đọc đa dạng nhiều loại sách, đọc nhiều tác giả cùng viết về một chủ đề, vấn đề và việc đọc sách luôn phải gắn với thảo luận, tranh luận và…viết ra điều mình suy ngẫm. Tóm lại, trong lịch sử từ khi có chữ viết cho tới ngày nay, những quốc gia văn minh nhất là các quốc gia có nền xuất bản phát triển, có nhiều sách nhất và nhiều bạn đọc nhất.

Tất nhiên, con người ta hoàn toàn có thể giàu có, tạo dựng được cuộc sống tốt cho dù không đọc sách nhưng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nữa và có ý nghĩa hơn nữa ở nhiều phương diện nếu như họ biết đọc sách và trân trọng sách. Thông qua sách và việc đọc sách, họ có thể làm cho sự thành công của mình gia tăng giá trị và truyền đến nhiều đời sau.

Xét trên bình diện rộng, những người thành công mà không cần đọc sách trên thế giới này rất ít ỏi và bé nhỏ so với những người thành công một phần dựa vào đọc sách. Nhiều người sau khi có được thành công nhờ trải nghiệm, tự học trong thực tiễn đời sống đã cấp tập quay trở lại bồi dưỡng kiến thức sách vở cho mình và chăm chỉ trước tác để bù đắp lại thiệt thòi trước đó như: Matsushita Konosuke (người sáng lập tập đoàn Panasonic-Matsushita của Nhật Bản), như Chung Ju-yung (người sáng lập tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc).

Thậm chí, Matsushita Konosuke còn lập ra nhà xuất bản Hypertext Preprocessor (PHP) để xuất bản, truyền bá sách vở với mong muốn cống hiến cho hòa bình, thịnh thượng của thế giới và trên thực tế ngày nay Hypertext Preprocessor (PHP) đã trở thành một nhà xuất bản lớn, có ảnh hưởng quan trọng ở Nhật Bản và trên thế giới.

Ở Việt Nam, có những người như thái sư Trần Thủ Độ dù không biết chữ vẫn làm được nhiều việc chính trị lớn lao như chuyển giao quyền lực từ Lý sang Trần êm thấm, quản trị nội bộ gia tộc Trần và chỉ huy chống giặc ngoại xâm thành công. Tuy nhiên, lưu ý rằng chính bản thân ông không bao giờ đề cao chuyện không biết chữ, không đọc sách vở mà ông lại rất trân trọng những người có tài, có học.

Câu chuyện của Việt Nam hiện tại chính là nằm ở chỗ làm sao để người Việt hiểu rằng thành công có được không dựa vào học vấn, trí tuệ là thành công nhất thời và rất nhỏ bé so với thế giới, thậm chí bản thân nó là một bất công cho cộng đồng xung quanh. Đây cũng là vấn đề mà người Việt cần nỗ lực vượt qua để giải quyết rốt ráo về mặt nhận thức trong hành trình tiến tới văn minh.

Nguồn: nguoidothi.net.vn